Preloader Close

Đại dịch COVID-19 là một trong những chất xúc tác tác động vào quá trình chuyển đổi số ngành y tế. Sự bức thiết của chuyển đổi số được thể hiện rõ rệt trong thời kỳ đại dịch khi mà các phương thức khám, chữa bệnh truyền thống hầu như bị tê liệt hoàn toàn. Đỉnh điểm là vào các thời điểm cách ly, phong tỏa khiến việc tiếp cận các y, bác sỹ và dịch vụ y tế thông thường của người dân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Sau tình hình chống dịch căng thẳng, y tế là một trong những ngành nhận được ưu tiên chuyển đổi số tại Việt Nam. Kế hoạch chuyển đổi số y tế là một trong những trọng điểm của “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Vậy những tác động của việc chuyển đổi môi trường giấy tờ truyền thống sang môi trường kỹ thuật số đến các bệnh viện, phòng khám và các cơ sở khám, chữa bệnh là gì?

Những tác động của chuyển đổi số y tế

Chuyển đổi số y tế thay đổi phương thức khám, chữa bệnh truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin và máy móc hiện đại. Đẩy mạnh triển khai hệ thống phần mềm y tế tại các bệnh viện để đảm bảo khả năng kết nối liên thông, chia sẻ tích hợp dữ liệu. Song song đó, đẩy mạnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, khám, chữa bệnh từ xa… trong việc khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, phòng khám… trên cả nước.

3 tác động tích cực trong chuyển đổi số các hoạt động của ngành y tế:

  • Chuyển đổi số tác động đến cách thức quản lý và chỉ đạo điều hành tại nội bộ các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh. Cách thức lãnh đạo và giao tiếp truyền thống được thay thế giúp việc chỉ đạo diễn ra nhanh chóng và kịp thời, đẩy nhanh giao tiếp thuận tiện giữa các cấp và ban ngành. Bên cạnh đó, việc quản lý công việc và đưa ra quyết định chính xác và hiệu quả dựa trên sự giúp ích của các nền tảng công nghệ số.

  • Thay đổi việc cung cấp và tiếp cận các dịch vụ y tế truyền thống sang phương thức dựa trên hỗ trợ của nền tảng số, giúp việc tiếp cận và cung cấp dịch vụ diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng và mọi lúc mọi nơi. Chẳng hạn, bệnh nhân có thể đăng ký khám bệnh từ xa với bác sỹ hoặc đặt lịch khám trực tuyến mà không cần phải đến trực tiếp bệnh viện/phòng khám để bốc số chờ đợi; bác sỹ dễ dàng lưu trữ, truy cứu hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân nhanh chóng, không còn quá nhiều giấy tờ cồng kềnh, rườm rà.

  • Từng bước thay đổi cách thức làm việc và giao tiếp của đội ngũ y, bác sỹ, các cán bộ và người lao động trong ngành y tế khi chuyển giao sang một môi trường làm việc được số hóa.

Thay đổi hồ sơ bệnh án giấy sang hồ sơ bệnh án điện tử

Chuyển giao số hóa hồ sơ bệnh án của bệnh nhân giúp tra cứu nhanh chóng, tiết kiệm chi phí (Nguồn: Freepik).

Khó khăn trong chuyển đổi số ngành y tế Việt Nam:

Bên cạnh những lợi ích kể trên cũng có không ít khó khăn trong việc chuyển đổi số y tế, điển hình như:

  • Chuyển đổi số cần có nguồn lực dồi dào, đặc biệt am hiểu về quy trình làm việc chuyên môn đặc thù của ngành y tế để có thể cùng các chuyên gia công nghệ tại các công ty phát triển phần mềm phối hợp triển khai. Song ngành y tế nói chung vẫn còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để chuyên trách về các mảng công nghệ thông tin chuyên sâu trong lĩnh vực y tế. 

  • Kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng là một trong những trở ngại của các bệnh viện và phòng khám khi cân nhắc sử dụng các nền tảng công nghệ số. Cùng với việc kinh phí đầu tư không nhỏ là thời gian triển khai dự án kéo dài và quy trình, thủ tục cũng khá phức tạp. 

  • Người bệnh chưa quan tâm và sử dụng nhiều các tiện ích chuyển đổi số khi đến các bệnh viện và phòng khám. Người trẻ thành thục sử dụng các tiện ích này để đặt lịch khám trực tuyến trên ứng dụng di động, website; thanh toán không tiền mặt, v.v. Tuy nhiên, thực tế các bệnh viện và phòng khám hàng ngày cũng phải tiếp đến hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân lớn tuổi khác chứ không riêng các bệnh nhân trẻ. Điều này một phần tác động đến lộ trình chuyển đổi số chung của cả ngành y tế.

Thiếu nhân lực chất lượng cao

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo chuyên môn cả về nghiệp vụ y tế và nghiệp vụ công nghệ thông tin để triển khai đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế tại các bệnh viện, phòng khám (Nguồn: Freepik).

Ứng dụng chuyển đổi số vào y tế với các xu hướng công nghệ trên thế giới

Thiết bị y tế di động thông minh

Ngày nay, các công nghệ theo dõi sức khỏe, thiết bị y tế di động đang dần được sử dụng rộng rãi giúp mỗi người có thể chủ động theo dõi các dữ liệu sức khỏe cá nhân của mình. Không chỉ dừng lại ở nhu cầu kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần, bệnh nhân giờ đây quan tâm nhiều hơn vào việc theo dõi sức khỏe với các thông tin được cập nhật liên tục từ các công nghệ/thiết bị đeo này. Điều này giúp các bệnh nhân chủ động phòng tránh hoặc điều trị bệnh kịp thời, duy trì trạng thái sức khỏe tốt nhất cho bản thân.

Hiện các hãng công nghệ lớn kết hợp cùng các công ty về chăm sóc sức khỏe đã cho ra các thiết bị đeo thông minh tích hợp một số cảm biến theo dõi sức khỏe như:

  • Cảm biến nhịp tim;

  • Cảm biến theo dõi vận động/tập luyện;

  • Cảm biến đo SpO2 (nồng độ oxy trong máu);

  • Cảm biến đo đường huyết…

Các thông tin sức khỏe hoàn toàn được cá nhân hóa giúp bệnh nhân có thể theo dõi, cập nhật thông tin sức khỏe cơ bản của mình hoặc những nguy cơ về sức khỏe để phòng ngừa kịp thời. Dự đoán đây vẫn sẽ là một trong những xu hướng công nghệ quan trọng có thể tác động mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số y tế của Việt Nam trong những năm tới.

Thiết bị đeo thông minh càng ngày càng phổ biến hơn

Theo dõi sức khỏe chủ động với các thiết bị đeo/công nghệ di động thông minh (Nguồn: Freepik).

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa (Robotic) trong chuyển đổi số y tế

AI là giải pháp công nghệ không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. AI có thể hỗ trợ y bác sỹ đưa ra chẩn đoán/quyết định lâm sàng, huấn luyện mô phỏng, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử… Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn có thể được sử dụng để cá nhân hóa hô hình chăm sóc sức khỏe dựa trên việc phân tích các điều kiện về xã hội, tâm lý… của từng cá nhân bệnh nhân.

Một công nghệ dựa trên AI khác hiện đang rất phổ biến là Chatbots (trợ lý ảo). Một số công việc liên quan đến dịch vụ khách hàng, công cụ chẩn đoán đều đang triển khai sử dụng Chatbots.

Robot y tế cũng đang là một xu hướng công nghệ quan trọng giúp giải quyết vấn đề về thiếu hụt nguồn nhân lực, giải quyết các công việc mang tính lặp lại tuần tự cần độ chính xác cao và đặc biệt hạn chế tiếp xúc để tránh nguy lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm.

Ứng dụng công nghệ AI và Robot trong chuyển đổi số y tế

Ứng dụng công nghệ AI để hỗ trợ các y, bác sỹ đưa ra chẩn đoán, hỗ trợ khám, chữa bệnh (Nguồn: Freepik).

Khám chữa bệnh từ xa

Phương thức cho phép y bác sỹ đánh giá, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân từ xa thông qua công nghệ viễn thông. Hiện ở Việt Nam cũng đang có nhiều phòng khám/bệnh viện/bác sỹ cá nhân cho phép khám bệnh hoặc chăm sóc y tế từ xa. Đây được xem là phương pháp chăm sóc sức khỏe mũi nhọn của ứng dụng chuyển đổi số vào y tế tại nước nhà.

Khám chữa bênh trực tuyến với bác sỹ

Bệnh nhân có thể tương tác trực tiếp với y, bác sỹ qua gọi video (Nguồn: Freepik).

Có thể thấy, chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội triển phát triển hiện đại cho ngành y tế cùng với những lợi ích và hiệu quả mang lại tốt hơn trước đây. Bên cạnh các lợi ích và cơ hội, chuyển đổi số y tế Việt Nam cũng gặp phải khá nhiều khó khăn và cần thật nhiều sự nỗ lực hơn nữa để có thể hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra.

Chia sẻ: