Tăng huyết áp (hay cao huyết áp) thường xuất hiện và gây nên các tiến triển liên quan đến bệnh tim mạch. Thay đổi lối sống như: tập thể dục, chế độ dinh dưỡng phù hợp… là cách hạ huyết áp tại nhà tự nhiên và ngăn ngừa bệnh tiến triển hiệu quả. Dưới đây là 5 cách hạ huyết áp nhanh và đơn giản nhất để bạn có thể thử áp dụng với bản thân mình nhé!
Hạn chế ăn mặn giúp hạ huyết áp nhanh
Hiện nay, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 9,4 gam muối mỗi ngày (cao hơn khuyến nghị của WHO là 5 gam mỗi ngày). Đây là một thực trạng đáng báo động, đặc biệt là khi bạn đang bị huyết áp cao và có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Các thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, các loại dưa muối, đồ ăn vặt/sấy khô, thịt xông khói… có hàm lượng muối cao nên bạn cần hạn chế hoặc cắt giảm hoàn toàn. Bạn có thể xem hàng lượng muối (Natri) có trong các loại thực phẩm này trên nhãn dinh dưỡng thực phẩm để tham khảo thêm.
Gia giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày theo khuyến cáo của WHO là cách giảm huyết áp hiệu quả nhanh nhất (Nguồn: Freepik).
Thay vào đó, hãy lựa chọn các món ăn tươi sống để bạn có thể phần nào kiểm soát được định lượng muối dung nạp vào cơ thể tốt nhất (dưới 5 gam/ngày, tương đương một muỗng cà phê). Bạn cũng cần lưu ý rằng, muối không chỉ là muối tinh mà còn có trong bột nêm, bột canh, nước mắm…
Ăn các món luộc, hấp thay các món rim, kho mặn cũng là cách giảm huyết áp nhanh qua các bữa ăn hằng ngày. Nên giảm lượng muối ăn một cách từ từ để cơ thể dần quen và vị giác thích nghi với sự thay đổi khẩu vị này.
Dù bạn không bị cao huyết áp thì việc hạn chế ăn mặn cũng giúp bạn tránh được các nguy cơ tăng huyết áp và mắc bệnh liên quan tim mạch, bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Ăn uống gì để hạ huyết áp nhanh
Ngoài việc giảm ăn mặn, xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cũng là một cách hạ huyết áp nhanh và hiệu quả tại nhà:
- Tăng cường ăn các loại rau xanh, hoa quả tươi và các loại ngũ cốc nguyên hạt.
- Bổ sung các thực phẩm giàu kali giúp giảm bớt áp lực lên mạch máu bằng cách giảm thiểu hấp thụ natri trong cơ thể. Kali có trong các loại rau lá xanh, bông cải xanh, cà chua, đậu, các trái cây như chuối, cam, bưởi, bơ…
- Dùng các sản phẩm từ sữa ít béo. Hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chuyển hóa.
- Và quan trọng không kém, uống đủ nước. Tùy theo mỗi người lượng nước uống là khác nhau, vậy nên hãy lắng nghe cơ thể của mình để uống nước sao cho phù hợp nhé!
Tăng cường thể dục thể thao, vận động cơ thể phù hợp
Dành quá nhiều thời gian ngồi lâu một chỗ không tốt cho huyết áp của bạn. Các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, tập thể dục hoặc các môn vận động khác đều là cách giúp bạn hạ huyết áp nhanh và tốt nhất.
Tập luyện thường xuyên hoặc chỉ đơn giản thực hiện các bài tập vận động đơn giản đều đặn và đúng cách sẽ có hiệu quả giảm huyết áp theo nhiều cách như: tăng chất lượng giấc ngủ, giảm căng thẳng, duy trì cân nặng hợp lý, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch/béo phì/tiểu đường.
Vì vậy, hãy tập cho mình thói quen vận động, tập thể dục thích hợp. Nếu bạn duy trì tập luyện thì bạn sẽ thấy được tình trạng sức khỏe của mình được cải thiện đáng kể.
Tích cực vận động và tập các bài tập thể dục để nâng cao sức khỏe tim mạch và giảm huyết áp hiệu quả (Nguồn: Freepik).
Duy trì cân nặng hợp lý giúp làm giảm huyết áp
Thừa cân, béo phì không chỉ gây ra bệnh cao huyết áp mà còn có thể dẫn đến nhiều bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh gan, thận, tim mạch… Vì vậy, bạn cần có một cân nặng lý tưởng.
Giảm cân và duy trì mức cân nặng phù hợp kết hợp cùng chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập khoa học có thể giúp bạn hạ huyết áp nhanh nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe của cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất.
Hạn chế các thức ăn nhanh, bánh ngọt, đồ chiên dầu mỡ không tốt cho tim mạch và nguy cơ gây tăng huyết áp (Nguồn: Freepik).
Giảm các thức uống chứa caffeine
Caffeine có tác dụng giúp cơ thể tỉnh táo, cơ thể tràn đầy năng lượng và tăng hiệu suất hoạt động. Các thức uống có chứa caffeine gồm: cà phê, ca cao, trà, nước tăng lực… Tuy không thể phủ nhận các lợi ích của caffeine song việc làm dụng quá nhiều có thể gây hại cho cơ thể, ở đây là việc gây tăng huyết áp.
Caffeine làm tăng huyết áp ngay sau khi uống. Việc tăng huyết áp đột ngột gây tác động mạnh hơn bình thường nếu bạn ít khi uống hoặc lạm dùng quá nhiều khiến lợi bất cập hại. Các triệu chứng phổ biến bạn có thể gặp phải như: cảm thấy khó chịu, chóng mặt, nặng tức ngực, tim đập nhanh, tay chân bủn rủn mất sức kèm đau đầu.
Nếu bạn đang bị cao huyết áp thì việc đầu tiên cần lưu ý là bạn cần tránh xa hoặc hạn chế tối đa các thức uống có chứa caffeine. Hãy ưu tiên tìm các loại nước uống giúp hạ huyết áp như:
- Nước ép trái cây (lựu, việt quất, bưởi, cam…);
- Nước ép từ các loại cây lá xanh (cải xoăn/kale, rau chân vịt, rau diếp…);
- Nước ép cà rốt, cà chua;
- Nước ép củ cải đường;
- Các sản phẩm từ sữa ít béo, sữa chua không đường;
- Nước lọc.
Cân bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý với các thức uống từ các loại hạt ngũ cốc, trái cây, rau xanh… (Nguồn: Freepik).
Các thức uống này không những giúp bạn hạ huyết áp nhanh và an toàn ngay tại nhà. Nếu duy trì cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý bạn sẽ thấy những tác động tích cực đến sức khỏe của bản thân. Hãy thử ngay để xem kết quả nhé!
Trên đây là 5 cách hạ huyết áp nhanh và hiệu quả mà bạn có thể chủ động thực hiện ngay tại nhà của mình. Duy trì một lối sống lành mạnh kết hợp với một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp hạn hạn chế sử dụng tối đa số lượng các loại thuốc giảm huyết áp. Ngoài việc thực hiện các phương pháp hạ huyết áp ở trên, bạn cũng đừng quên theo dõi và kiểm tra huyết áp thường xuyên, cũng như sử dụng thuốc theo đúng liều lượng đã chỉ định của bác sĩ. Hãy thăm khám định kỳ để được bác sĩ tư vấn và tấm soát bệnh hiệu quả, tránh tự ý thay đổi liều lượng, loại thuốc hay không tuân thủ theo các khuyến cáo dinh dưỡng nhé!